Thứ Năm, 15 tháng 9, 2011

Ngành Công nghệ môi trường


"Khi mới vào ngành này, tôi thậm chí còn không hiểu sẽ học những gì, ra làm việc gì. Hiểu biết của tôi về công nghệ môi trường chỉ lờ mờ xung quanh khái niệm đó là một ngành ứng dụng những công nghệ mới vào giải quyết những vấn đề về môi trường". Tuấn, SV trường ĐH Nông lâm TP. HCM nói.

Học gì với ngành công nghệ môi trường?

Doanh nghiệp phải có hệ thống quản lý môi trường mới có chứng chỉ ISO...
Có người đã từng nhận xét tình trạng không định hướng rõ ràng sau khi ra trường sẽ làm việc tại đâu và như thế nào đối với dân môi trường là... rất nhiều.
Có nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu do môi trường là một ngành rộng lớn và liên quan tới nhiều lĩnh vực. SV môi trường thuộc dạng cái gì cũng biết, khổ nỗi mỗi thứ biết một chút.

Tại một số diễn đàn của SV, dân môi trường bên các chuyên ngành nghiên cứu kêu gọi nhau học thêm phần ứng dụng và kỹ thuật. Dân kỹ thuật môi trường nhắc nhở nhau tìm hiểu thêm phần nghiên cứu. Đấy là chưa kể đến những luật môi trường, kinh tế và môi trường... mà theo nhiều SV, cũng cần phải nắm vững.

Công nghệ môi trường (CNMT) là một chuyên ngành khá mới mẻ, có sự kết hợp đồng bộ cả hai yếu tố nghiên cứu và kỹ thuật. Học chuyên ngành này phải nắm vững các kiến thức chuyên môn bao gồm: công nghệ xử lý nước thải, xử lý khí thải, xử lý chất thải rắn thông qua các biện pháp sinh - lý - hoá học.

Kỹ sư công nghệ môi trường trong nhà máy đảm bảo các thông số môi trường theo đúng tiêu chuẩn cho phép


Điều này nghĩa là cơ hội xin việc khi ra trường sẽ khá rộng mở với rất nhiều lựa chọn. “Nếu là công nghệ xử lý nước thải, bạn có những lựa chọn sau: các công ty cấp nước, các nhà máy xử lý nước, các công trình xử lý nước thải cho các nhà máy và khu công nghiệp...Nếu là công nghệ xử lý khí thải thì công việc của bạn sẽ là đo đạc chất lượng không khí, đánh giá tác động của môi trường và xử lý không khí ô nhiễm... Còn nếu hoạt động trong lĩnh vực xử lý chất thải rắn thì bạn sẽ làm việc với các công trình quản lý chất thải rắn sinh hoạt, chất thải nhà máy hay các khu đô thị...Tóm lại, không thiếu việc để làm. "Dĩ nhiên không phải với mức trình độ từ trung bình trở xuống.” Đỗ Lan Anh (Khoa Môi trường- ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐHQG Hà Nội) khẳng định.

Nếu để liệt kê những đơn vị và tổ chức mà dân CNMT có thể đầu quân thì... kể mãi không hết: Sở Địa chính; Sở Kế hoạch - Đầu tư, Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn; các trung tâm bảo vệ môi trường; phòng Quản lý môi trường ở các cấp; Ban quản lý các khu công nghiệp, khu chế xuất; các cơ quan quy hoạch, khai thác thuỷ hải sản. Đấy là chưa kể đến một số lượng không nhỏ các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm. Tại đây, công việc của các kỹ sư CNMT sẽ tuỳ theo quy mô và chiến lược đầu tư của từng doanh nghiệp.

Không kiên trì, không sức bền: Không chịu nổi

CNMT được đào tạo rộng rãi tại nhiều trường ĐH trên cả nước. Trong Nam có ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP. HCM, ĐH Nông lâm TP.HCM, ĐHDL Văn Lang... Ngoài Bắc có ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG Hà Nội), ĐH Bách khoa... Tuỳ từng nơi mà có thể tuyển sinh khối A hoặc khối B.

Tuy chuyên ngành và cách đào tạo khác nhau song nhìn chung, dân CNMT cũng vẫn gặp chung khó khăn. Chuyện muôn năm cũ: thực hành! “Tỷ lệ là 90% lý thuyết và 10% thực hành” - Thành, một SV khoa Kỹ thuật Môi trường (Bách khoa Hà Nội) ngậm ngùi.

Thành vẫn còn nhớ kỳ thực tập công nhân vào năm thứ ba, từ lắp đặt cấp thoát nước, nạo vét bùn cống cho đến ngắm... công nhân làm việc và một trăm lẻ một việc không tên khác... Không tên thì vẫn cứ là thực hành. Đỡ hơn là học hết phương pháp xử lý nọ đến công nghệ xử lý kia mà vẫn cứ mãi... trên giấy.

Giáo trình về môi trường trong nước thì từ cũ đến... rất cũ. Giáo trình và tài liệu nước ngoài thì từ mới đến... rất mới. Nhiều khi mới quá nên điều kiện áp dụng tại Việt Nam không khả thi. Dân CNMT đùa nhau: lưỡng bề thọ địch.

Chẳng ai bảo học CNMT là nhàn nhã. Kiến thức về công nghệ có bao giờ dễ nuốt? Đấy là chưa kể, khi bắt tay vào một công trình nghiên cứu, thật vất vả trăm bề. Một mẫu chất thải công nghiệp đem về phòng thí nghiệm, thí nghiệm lên, thí nghiệm xuống; phân tích đi phân tích lại... mãi vẫn chưa ra kết quả tính toán. Không kiên trì, theo đuổi và cả chịu đựng nữa thì không nổi.

Và không thể không đụng chạm đến vấn đề tiếng Anh. Tại sao nói tiếng Anh là “điều kiện cần” trong vô số các “điều kiện đủ” để trở thành một kỹ sư CNMT?

Hãy nghe họ giải thích: “Thế này, nếu bạn phải thiết kế một công trình xử lý nước thải, khí thải hay lò đốt chất rắn thì... đọc các tài liệu nước ngoài là điều bắt buộc. Đặc biệt, với các chất thải thuộc loại "cứng đầu" như nước thải của nhà máy đường, nước thải chế biến cao su... Khi mà Việt Nam chưa có một sơ đồ xử lý tối ưu thì việc bạn phải làm là vùi đầu trong phòng thí nghiệm và nghiền ngẫm một núi tài liệu của nước ngoài. Đó là chưa tính đến khả năng giao tiếp, khả năng đọc và dịch tài liệu của nước ngoài phải OK.”

Còn đầu ra như thế nào? “Đây là ngành có cơ hội việc làm rộng lớn hơn so với các chuyên ngành khác của Môi trường” - TS Nguyễn Xuân Cự (Phó trưởng khoa Môi trường, trường ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐHQG Hà Nội) nhận xét.

Điều này hoàn toàn đúng song đừng vội mừng thầm khi liếc qua danh sách những cơ quan, tổ chức mà dân CNMT có thể nhảy vào (như đã nêu ở trên). Xin chú thích thêm rằng, việc tìm được một chân trong các tổ chức cấp Bộ, Sở hay các Viện của nhà nước là khá khó khăn. “Nhiều khi các mối quan hệ còn quan trọng hơn là khả năng đào tạo” như một giảng viên trong ngành thừa nhận. Vậy nếu bạn muốn lập nghiệp chỉ dựa trên năng lực thì nên nghĩ ngay đến những cơ sở liên doanh với nước ngoài, các dự án, các khu công nghiệp...

Tại những khu vực này, doanh nghiệp buộc phải có hệ thống quản lý môi trường được cấp chứng chỉ phù hợp tiêu chuẩn ISO 14001, một tiêu chuẩn đôi khi là điều kiện tiên quyết trong việc ký kết hợp đồng. Sự có mặt của những kỹ sư CNMT tại đây là điều không có gì phải bàn cãi.

Công nghệ môi trường: Làm giàu được không?


Đây đã từng là đề tài thảo luận sôi nổi trên các diễn đàn của dân trong nghề.

“Tất cả các ngành nghề đều có người làm giàu được và có người không kiếm sống được. Ngành Môi trường không thuộc lĩnh vực kinh doanh, không phải kinh tế, không phải ngành để làm giàu. Tuy nhiên, với CNMT điều này hoàn toàn có thể nếu anh có phát minh gì đó bán ra tiền, một vấn đề hóc búa về công nghệ chưa ai nghĩ tới hoặc xử lý chẳng hạn.” TS Nguyễn Xuân Cự nhấn mạnh.

Không phải là điều gì đó quá xa vời, hoàn toàn là việc mà bạn có thể làm được. Ý tưởng, tư duy, sự đeo đuổi không ngừng là điều mà ba cô gái của K47 chuyên ngành CNMT (trường ĐH Khoa học tự nhiên) đã chứng minh qua công trình “Tái sử dụng bột bã thải dầu kim loại nặng để sản xuất men màu trong gốm sứ”.

“Từ việc nhìn ngắm những chiếc lọ gốm đủ màu sắc trong chuyến đi đến Bát Tràng và dựa trên những tài liệu của nước ngoài do cô giáo cung cấp, bọn mình tiến hành nghiên cứu cách xử lý bột bã thải kim loại nặng thành men màu. Sau khi xử lý, một cân bột men màu thu được có thể hạ giá thành xuống còn 5.000-7.000đ/kg so với giá thị trường 15.000- trên 20.000đ/kg. Quan trọng hơn là có thể xử lý và tận dụng nguồn bột bã thải độc hại một cách an toàn thay vì đóng rắn và chôn lấp như trước đây.”

Kết quả của việc quay cuồng giữa phòng thí nghiệm – nhà máy – Bát Tràng là giải thưởng 10.000 USD, đủ cho Như Hoa, Bình và Thanh Xuân tiếp tục mở rộng nghiên cứu sang việc ứng dụng ở quy mô lớn. Hỏi về lợi nhuận mà công trình nghiên cứu này có thể đưa lại, Hoa cười bảo: “ Mình chưa nghĩ đến.”

Song với những công trình như thế này, dân CNMT hoàn toàn có thể làm giàu dựa trên chính mồ hôi công sức của mình. Tại sao không?


Nguồn VietNamNet

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét