VĂN HÓA ẨM THỰC CỦA NGƯỜI VIỆT NAM BỘ
MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài:
“Ẩm thực là
tiếng dùng khái quát nói về việc ăn và uống. Văn hóa ẩm thực bao gồm cả cách
chế biến, bày biện và thưởng thức từng món ăn, thức uống, từ đơn giản, đạm bạc
đến cầu kỳ mỹ vị.”[Nguyễn Hữu Hiệp 2004]. Mỗi khu vực, mỗi quốc gia đều có
những nét đặc trưng riêng trong văn hóa ẩm thực của mình. Và trong đó, môi
trường tự nhiên góp phần không nhỏ vào việc tạo nên những đặc trưng đó.
Kênh rạch
chằng chịt đã tạo cho vùng đất miền Nam bộ trở thành một vùng đa sinh thái rất
giàu thủy hải sản: tôm, cua, rùa, rắn, nghêu, sò, ốc, hến, cá, lươn... Từ các
nguồn nguyên liệu tự nhiên này, người Nam bộ chế biến ra các món ăn khác nhau.
Qua dòng thời gian, con người càng ngày càng phát kiến thêm nhiều cách kết hợp
món ăn khác nhau đã làm cho kho tàng văn hóa ẩm thực của dân tộc không ngừng
phong phú lên.
Khi nghiên
cứu về văn hóa nói chung và văn hóa ẩm thực nói riêng ở khu vực Nam Bộ, yếu tố
sông nước luôn đóng vai trò quan trọng, tạo nên nét đặc sắc riêng, tính phong
phú, đa dạng và sáng tạo của ẩm thực Nam Bộ.
Chính vì
vậy, nghiên cứu về Văn hóa ẩm thực của người Việt ở Nam Bộ là một đề tài phong
phú, sẽ góp phần làm đa dạng hơn cho sắc thái văn hóa Nam Bộ nói riêng và văn
hóa Việt Nam nói chung.